Phụ nữ có vai trò gì không trong điều trị bệnh bất lực của nam giới?
Trong những năm gần đây, cùng với đà phát triển của nền kinh xã hội, đời sống của người Việt Nam đã được nâng lên một bước, tuổi thọ ngày cao, chất lượng cuộc sống ngày càng được chú trọng. Trong đó những vấn đề riêng tư của nam giới không còn bị bỏ quên như trước nữa. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay còn gọi là rối loạn cương ở nam giới không còn là chuyện khó nói và khó điều trị.
Rối loạn cương dương là một danh từ được các nhà y học Nam khoa sử dụng từ năm 1992 với tên khoa học Erectile Dysfunction (ED), ở nước ta các nhà y học cổ truyền thường gọi là liệt dương hay bất lực và trong dân gian gọi là yếu sinh lý hay cách nói ví von khác là “trên bảo dưới không nghe”. Bất lực thực ra là cách gọi tính nặng nề và cổ hữu, còn rối loạn cương dương có vẻ nhẹ nhàng và khoa học hơn, người bệnh dễ chấp nhận và thông cảm hơn. Thực chất đây không phải là vấn đề mới lạ mà nó đã được đề cập từ rất xa xưa, vào thế kỷ thứ X, danh y Ba Tư Avicenna đã lưu ý đến bệnh đái tháo đường có thể gây ra bất lực, sách cổ Trung Hoa cũng ghi lại có nhiều loại thuốc có thể gây kích thích tình dục. Bất lực do tâm lý được Freud mô tả năm 1912, năm 1926 bác sĩ Hughes ở Atlanta, Georgia đã mô tả tới 10 nguy cơ như: mộng tinh, xuất tinh quá độ, bệnh lậu, hẹp bao quy đầu, thủ dâm, lo âu, trầm cảm, bệnh của tinh hoàn… đều có thể đưa đến rối loạn cương. Ngày nay, theo ước tính của các nhà khoa học, thế giới có khoảng trên 300 triệu nam giới mắc bệnh khó nói này. Nó không phải là bệnh cấp tính, không gây tử vong nhưng mang tính xã hội sâu sắc, ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình và trong xã hội. Người rối loạn cương dương thường mặc cảm, thiếu tự tin. Việc nhận thức về kiến thức cơ bản trong sinh hoạt tình dục là việc làm hết sức cần thiết, vì có những hiểu biết cơ bản mới dễ dàng khắc phục được tình trạng hiện tại, có khi chỉ cần có được nhận thức đó thì sẽ khắc phục được tình trạng trên. Trong đó nữ giới giữ vai trò vô cùng quan trọng, cần tâm sự nhẹ nhàng với những cảm xúc của mình, luôn sát cánh bên chồng để điều trị. Giữ một thái độ và tinh thần lạc quan, không nên có thái độ trách móc, nghi kỵ hay ghen tuông, tránh tạo áp lực cho chồng về chuyện tình dục. Nên áp dụng những phương pháp khác để hai bên cùng hài lòng, tìm hiểu và nâng cao kiến thức về cách chữa trị để vợ - chồng cùng thống nhất phương pháp điều trị sao cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, sinh hoạt làm việc của gia đình. Khuyên chồng bỏ rượu bia, thuốc lá và tạo điều kiện giúp đỡ chồng chọn một trong các môn thể thao để rèn luyện thể lực như: cầu lông, tennis, bóng bàn - bóng chuyền - bóng đá. Tiêu chuẩn vận động phải đổ mồ hôi hay 30 phút vận động hàng ngày. Vợ chồng cần được bác sĩ nam khoa tư vấn và điều trị với tinh thần cởi mở, không giấu diếm, cùng thảo luận để đưa đến phương pháp điều trị tốt nhất. Tránh quan niệm sai lầm cho “trên bảo dưới không nghe” là một biểu hiện của bệnh thận không điều trị được, đứng về mặt Đông y thì “trên bảo dưới không nghe” là một biểu hiện của bệnh thận nhưng không nên nhầm lẫn thận “Đông y” với thận “Y học hiện đại”. Theo quan niệm của Đông y là bệnh liên quan đến bệnh thận như: sưng phù - yếu sinh lý – đau lưng. Còn theo y học hiện đại thì thận có vai trò sinh lý hết sức quan trọng; thận có nhiệm vụ tạo nước tiểu, để thực hiện hai chức năng chính là bài xuất phần lớn những sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa trong cơ thể, và điều hòa nồng độ các thành phần dịch cơ thể, giữ mức hằng định nội môi. Theo y học hiện đại, đau lưng ít khi do thận gây ra, đa số trường hợp đau lưng là do bệnh của cột sống, thần kinh cột sống, nhóm cơ ở lưng, còn sưng phù có thể liên quan đến nhiều bệnh như: phù do gan, do tim, suy dinh dưỡng nặng. Riêng rối loạn “trên bảo dưới không nghe” đa số trường hợp không do thận gây ra, nhưng khi người bệnh, bị bệnh thận như: sỏi thận, viêm cầu thận, ứ nước thận thì người bệnh đau lưng, mệt mỏi, chán đủ thứ chứ không riêng về chuyện tình dục, cho nên “trên bảo dưới không nghe” là điều không thể tránh khỏi. Tóm lại, “trên bảo dưới không nghe” hay còn gọi rối loạn cương dương là một vấn đề lớn, ảnh hưởng tâm lý, gây tác hại không nhỏ trên hiệu quả công việc, cống hiến xã hội, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vì vậy, việc xóa bỏ đi những quan niệm lạc hậu thành kiến là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng trước mắt việc điều trị rối loạn cương dương là một công việc hết sức tế nhị, đòi hỏi người bệnh lẫn thầy thuốc phải kiên trì, cần phối hợp nhiều biện pháp, kể cả biện pháp không liên quan đến tình dục. Tùy theo nguyên nhân, mức độ mà điều trị thích hợp, trong đó phương pháp tâm lý và tư vấn về tình dục là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, người bệnh cần được khuyến khích thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh như: kiêng rượu, thuốc lá, chất gây nghiện, ăn uống điều độ, chơi thể thao.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn